Cẩm Nang Việc Làm

Đề nghị tăng lương với sếp

04/05/2018 | 17:45 : Lượt xem 631

Trong mỗi chúng ta, ai cũng mong muốn có mức lương cao, một mức lương xứng đáng với giá trị, sức lao động của bản thân. Nhưng trong bất kì trường hợp nào, vấn đề lương thưởng, tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm. Vậy, làm cách nào mà bạn có thể đề đạt bày tỏ nguyện vọng tăng lương với sếp mà cả hai bên đều thoải mái? đó là một vấn đề không dễ đòi hỏi sự khéo léo và tinh ý.

1. Hiểu mong đợi của sếp 

Đây là điều kiện tiên quyết. Bạn phải chứng minh cho sếp thấy mình "có giá" hơn nhiều so với mức lương hiện tại và sếp của bạn sẽ nhanh chóng cho thấy ông/bà ta là người công bằng. Và bạn sẽ nhận được một lời hứa mà bất kỳ ai đi làm cũng mong muốn: tăng lương. 
Thực hiện cách này phải thật khôn khéo. Đừng đề nghị tăng lương chỉ vì bạn đã làm việc cho công ty rất nhiều năm, tháng. Vì dù bạn có làm việc bao lâu đi chăng nữa thì công việc hiện tại luôn phải làm tốt (đó cũng chính là lý do bạn được tuyển dụng). Thay vào đó, bạn phải chỉ cho sếp thấy được bạn đang làm tốt hơn yêu cầu hoặc bạn đang tiến hành công việc một cách sáng tạo, đạt được tỷ lệ hoàn thành công việc cao hơn mức bình thường. Chẳng hạn như cho sếp thấy bạn đã vượt mức chỉ tiêu KPI như thế nào. Hay đơn giản hơn, hãy cho sếp xem một bản kế hoạch triển khai hiệu quả của bạn.

Bạn nên chứng tỏ năng lực bản thân nhiều hơn sếp nghĩ. Làm thế nào để bạn chứng minh điều này mà không chỉ nói suông? Cách thiết thực nhất là trong quá trình làm việc mỗi ngày, cũng như trong buổi đàm phán, hãy trình bày với sếp xem bạn đã và đang làm gì nhằm nâng cao năng lực bản thân, từ đó đóng góp nhiều hơn cho công ty. Sau giờ làm bạn đang theo học văn bằng 2; vài tháng trở lại đây bạn đã bắt đầu trau dồi trình độ tiếng Anh; giờ bạn có thể tự tin thuyết trình trước đám đông, thậm chí là với đối tác nước ngoài…Những chi tiết nhỏ nhặt đó đều là minh chứng cần thiết để sếp tin bạn đã sẵn sàng cho vị trí (cũng như mức lương) cao hơn. Quan trọng hơn, bạn sẽ không rơi vào tình huống “kể công” theo kiểu trưng ra nào là số liệu, nào là mức lợi nhuận bạn mang về cho công ty trong năm qua.

Hãy dánh giá, định vị mình thật tốt và biết thế nào là xứng đáng để thỏa mãn cả đôi bên.

2. “Tôi sẽ có trách nhiệm gì khi nhận mức lương cao hơn?”

Nếu bạn đã làm rất tốt công việc hiện tại của mình, hãy nhận thêm các trách nhiệm khác. Việc này cũng chứng tỏ các khả năng khác của bạn. Đừng chờ đợi người khác giao việc, hãy nhìn xung quanh và tự "xắn tay" vào làm. Hãy tích cực, năng động, xông xáo hơn để sếp thấy tăng lương là nguồn động viên tích cực tới nhân viên và họ bằng lòng, thoải mái khi được làm việc được cống hiến.

Rồi sau đó, nhân cuộc nói chuyện với sếp, hãy chỉ rõ hiện tại bạn đang làm nhiều hơn công việc sếp giao và bạn "muốn" được trả lương phụ trội do những việc bạn đang làm thêm. Nếu sếp ngần ngại trước ý tưởng trao cho bạn thêm trách nhiệm (và kèm theo đó là tăng lương), hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhặt dễ nhìn thấy nhất. Có một cách để "thể hiện" rõ điều này, đó là dọn bàn làm việc thật sạch sẽ và gọn gàng. Một chiếc bàn làm việc như vậy sẽ nói lên rằng: "Tôi đã hoàn thành xong việc của mình. Hãy giao thêm cho tôi một công việc khác". 

3.Biết cách khôn ngoan "truyền tải" thành tích đạt được 

Ngay tại những doanh nghiệp trả lương thấp vẫn luôn tồn tại mức lương rất cao dành cho các "ngôi sao". Đó là do doanh nghiệp sợ nhân viên giỏi đi mất sẽ khiến cho họ cái giá họ phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, khi đề nghị tăng lương, hãy chuyển tải thông điệp đến sếp rằng bạn đang là một "ngôi sao". Điều này không chỉ giúp bạn được tăng lương mà còn khiến bạn luôn gặp thuận lợi trong công việc và nhận được sự kỳ vọng trong công ty. 
Kỳ vọng của mọi người là thứ có thể đo đạc được. Nếu bạn hoàn thành dự án của mình, mọi người sẽ biết. Nếu bạn hoàn thành dự án của mình một cách xuất sắc, bạn nên "nhắc nhở" mọi người về những kỳ vọng họ đã dành cho bạn và bạn đã đáp ứng những kỳ vọng đó như thế nào. Nhưng nếu bạn không "quảng cáo" về kết quả đạt được, sẽ chẳng ai quan tâm. Vì vậy, "thước đo" đặc biệt của một "ngôi sao" công sở hiện đại phải là: biết cách "quảng bá" thành tích đạt được mà không cần lên tiếng ồn ào. 

Tuy nhiên, dẫu bạn đạt được nhiều thành tích nhưng đừng thể hiện bản thân quá mức, đừng tự cao tự đại bắt sếp tăng lương là điều hiển nhiên. Thức tế, trong nhiều môi trường làm việc không nên thể hiện mình giỏi gian hơn sếp.

4. Lựa chọn thời điểm phù hợp

Ngoài yếu tố nội dung thì yếu tố thời gian cũng đóng vai trò quyết định xem đề xuất tăng lương của bạn có được đồng ý hay không. Thông thường, bạn nên trình bày mong muốn tăng lương trong buổi đánh giá nhân viên hằng năm vì phần lớn các quản lý đều dự đoán trước chủ đề này. Trong trường hợp bạn cần thảo luận sớm, hãy tỏ ra chuyên nghiệp và thông báo trước để sếp bạn có đủ thời gian sắp xếp công việc cũng như chuẩn bị đàm phán. Đặc biệt, đề xuất của bạn chắc chắn sẽ bị từ chối nếu bạn lựa ngay thời điểm công ty đang gặp khó khăn tài chính, mùa cao điểm và sếp đang bị áp lực công việc…Sáng suốt lựa chọn thời điểm sẽ giúp tỷ lệ thành công của bạn cao hơn.

 

5. Tăng lương không hẳn là vấn đề tiền bạc 

Theo thống kê, hầu hết số tiền tăng lương chỉ chiếm khoảng 4% tổng lương nhận được. 4% chẳng là gì cả. Còn rất nhiều thứ bạn có thể đòi hỏi sếp để cải thiện cuộc sống của mình. Ví dụ, xin được đi học để nâng cao kỹ năng hay xin được làm việc ở nhà vài tuần để nghỉ ngơi, thư giãn. 
Lời khuyên ở đây là: Thay vì chỉ chú ý đến những đồng tiền kiếm được tương đương với chức danh hiện tại, hãy cố gắng tập trung vào những gì có ý nghĩa với mình. Rồi bạn sẽ thấy rằng lương của mình sẽ được tăng như một điều tất yếu, khi bạn đã chứng minh được bản thân và hoàn thành xuất sắc công việc.

Nếu đề nghị tăng lương không được chấp nhận, hãy cố gắng đừng đòi hỏi những gì liên quan đến tài chính nữa. Hãy đề nghị được làm việc ở nhà hay đề nghị có được kỳ nghỉ dài ngày hơn, được đi học để nâng cao kỹ năng làm việc, hay thậm chí xin được xuống làm việc ở chi nhánh của công ty hiện đang nằm ở thành phố có mức sống thấp hơn thành phố bạn đang sống. Những đề nghị này chẳng ảnh hưởng đến ngân sách của công ty, nhưng rõ ràng có giá trị về kinh tế với bạn. 
Bạn cũng có thể chuyển những lợi ích nhận được từ "phần thưởng phi tài chính" sang dạng tiền, khi chuyển sang làm việc ở công ty khác. Trong thỏa thuận về lương bổng với một công ty mới, khi được hỏi về mức lương ở công ty cũ, bạn hãy nói rõ tất cả lợi ích nhận được, bao gồm cả những phần thưởng phi tài chính. Đôi khi công ty mới sẽ trả thêm cho bạn đến 30% lương vì những phần thưởng phi tài chính này. 

6. Phản ứng đúng cách khi bị từ chối

Vậy nếu chẳng may sau tất cả, bạn vẫn bị sếp từ chối đề xuất tăng lương thì sao? Xin khẳng định ngay đó không phải là dấu chấm hết cho mối quan hệ của bạn với công ty. Đôi khi, chính cách bạn phản ứng lại là chìa khóa giúp bạn tăng lương thành công. Khi bị từ chối, bạn nên tỏ ra chuyên nghiệp, cầu thị và trao đổi thẳng thắn với sếp xem đâu là vướng mắc, bạn cần làm gì để chứng minh bản thân nhiều hơn, với mức lương bạn đề xuất thì sếp mong đợi những gì…Nhiều công ty hiện có 2 đợt đánh giá nhân viên mỗi năm nên 6 tháng sau, bạn có thể thử đề xuất lại lần nữa. Với những hiểu biết thu thập được từ lần trước, tỷ lệ tăng lương thành công của bạn cũng được cải thiện rõ rệt.