Cẩm Nang Việc Làm

Kỹ năng lắng nghe- Lắng nghe là cả nghệ thuật.

25/03/2018 | 16:13 : Lượt xem 2294

Chúng ta học nghe trước khi học nói; chúng ta biết nghe trước khi biết nói; chúng ta phải nghe trước khi phải nói, đấy là lý do con người sinh ra vốn hai tai một miệng.

Giao tiếp không chỉ đơn giản là biết cách nói.Giao tiếp hiệu quả đòi hỏi cả hai kỹ năng nói và biết lắng nghe. Lắng nghe là một yếu tố kỳ diệu giúp con người tạo dựng được mối quan hệ bền lâu và hạnh phúc. Biết lắng nghe giúp chúng ta tìm ra mã số, sở thích, mong muốn, nhu cầu của người khác. Vì vậy có thể xem nói là gieo, nghe là gặt.

Rèn luyện kỹ năng lắng nghe là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ đơn thuần là nghe qua. Nó đòi hỏi người nghe phải biết chủ động trong buổi nói chuyện cũng như biết cách kết hợp một số kĩ năng sống và kĩ thuật nhất định.

               

Xem thêm: việc làm tại nghệ an

1.Các kĩ năng nghe hiệu quả

Nghe chính là quá trình thu nạp tri thức, mở rộng hiểu biết, phân tích đúng sai. 

-Lắng nghe chủ động và tập trung

Khi lắng nghe bạn hãy tập trung hết mức và nếu có thể hãy tạm dừng những công việc khác để tập trung vào câu chuyện của người nói. Mắt và người hướng về phía người nói, sử dụng phi ngôn từ kèm ngôn từ như: gật đầu mỉm cười; biểu đạt cảm xúc qua gương mặt để thể hiện lắng nghe; dạ; vâng; ồ; à, nhắc lại nội dung... để khuyến khích người nói chuyện. Điều này sẽ khiến cho người nói vô cùng hào hứng bởi họ biết là bạn đang lắng nghe họ 1 cách tập trung.

Khi nói chuyện với khách hàng , những điều này khiến cho khách hàng vô cùng hài lòng, họ sẽ đánh giá bạn là người có trách nhiệm với khách hàng và không ngại ngần mà ký hợp đồng với bạn.

-Lắng nghe tích cực

Khi lắng nghe hãy nghe 2 chiều của một vấn đề, nó sẽ giúp bạn thẩm định những thông tin bạn vừa nghe được và có những lời nói, ứng xử sao cho phù hợp.  Nhiều người nhận xét về người khác thường chỉ biết nói điểm xấu, đây là điều tối kị trong giao tiếp khi phê bình, bình luận về một chủ đề nào đó. Việc bạn chỉ biết lắng nghe điểm xấu đồng nghĩa với việc bạn đưa cuộc giao tiếp thành một trận đấu nảy lửa.

-Lắng nghe với một tâm trí cởi mở

Chúng ta thường bắt đầu cuộc nói chuyện với những mục tiêu, sự trông đợi cũng như kết quả đã có sẵn trong đầu, và chỉ nghe một cách chọn lọc những điều phù hợp với suy nghĩ định trước của mình. Ví dụ, khi muốn bán hàng, chúng ta chỉ nghĩ đến việc làm sao kết thúc cuộc nói chuyện và bán được hàng. Thay vì chú ý đến lời nói của đối phương, chúng ta thường xen lẫn cảm xúc của mình vào đấy và chỉ nghe những gì mà mình mong đợi hơn là những gì đang được nói.
 Điểm mấu chốt của kỹ năng lắng nghe là gạt bỏ những định kiến, khuôn mẫu và mong muốn cá nhân để trải nghiệm tốt nhất thế giới của người nói từ quan điểm của họ.

-Kỹ năng đặt câu hỏi mở

Đừng chỉ biết lắng nghe thôi mà bạn cần phải đặt những câu hỏi cho người nói. Khi bạn đặt câu hỏi có nghĩa là bạn quan tâm đến vấn đề đang nói, bạn muốn tìm hiểu sâu hơn. Điều này khiến cho người nói cảm giác được tôn trọng và thích thú bởi có người quan tâm đến câu chuyện mình đang nói. Bên cạnh đó, đặt câu hỏi cũng chính là hình thức mà bạn thẩm định thông tin xem có chính xác hay không.

Hãy nhớ các câu hỏi luôn là điều cần thiết trong mỗi cuộc hội thoại. Nếu giao tiếp qua điện thoại thì sẽ rất cần thiết cho kỹ năng nghe và trả lời điện thoại 1 cách chuyên nghiệp nhất.

Không nên lèo lái đề tài câu chuyện theo ý mình. Khi người nói bỗng dưng đề cập đến vấn đề nào đó khiến bạn đặc biệt quan tâm, bạn sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào, rồi sẽ cắt ngang người nói để thao thao bất tuyệt với chủ đề đó. Và thường dẫn đến kết quả là làm cho người nói chuyển đề tài sang câu chuyện của bạn. Những người biết lắng nghe luôn để người kia làm chủ tình hình. Cách tốt nhất là ghi nhớ câu hỏi đó và sau khi người nói đã nói hết những điều họ muốn thì bạn hãy đặt câu hỏi. Trong lúc lắng nghe, bạn cũng không nên suy nghĩ xem đến phiên mình bạn sẽ nói gì. Vì nếu như vậy thì bạn sẽ không tập trung vào những gì người kia đang nói.

-Diễn giải nội dung bạn muốn trình bày:

Thường thì khi bạn không nắm vững một vấn đề, bạn sẽ chỉ chú tâm vào nói, nói và nói, thay vì phải diễn giải. Giải thích một cách chính xác có thể làm cho cả người nói và người nghe đều hiểu rõ vấn đề. Thật không dễ dàng khi phải suy đoán ý nghĩa ẩn sau những từ ngữ, lúc này diễn giải là rất cần thiết. Kỹ thuật này có thể giúp mọi người mở rộng cuộc nói chuyện, có thể khám phá những gì mà bạn thực sự muốn diễn đạt.

-Một số lưu ý nên tránh trong khi lắng nghe

Khi lắng nghe tất nhiên điều cần làm là im lặng tuy nhiên bạn đừng quá im lặng mà hãy có những hành động để hưởng ứng với những gì người nói đang truyền đạt.

Mắt nhìn đi nơi khác; khoanh tay gãi đầu; gãi mũi; đưa tay lên mặt… những hình ảnh phi ngôn từ này sẽ làm bạn mất điểm với người đối diện. Lắng nghe chính là điều mà bạn nên phản hồi để thông tin mang tính chất 2 chiều.

                 

2.4 hoạt động trong quá trình lắng nghe cần phải có:

-Dự đoán trước hướng phát triển của cuộc nói chuyện và những kết luận có thể rút ra từ nó.

-Cân nhắc những dẫn chứng do người nói đưa ra: liệu đây có phải là những dẫn chứng hoàn chỉnh và có giá trị không?

-Xem lại và tổng hợp những điểm người nói đưa ra.

-Chú ý đến ngôn ngữ không lời thông qua nét mặt, cử chỉ và giọng điệu của đối phương để rút ra những thông điệp không được truyền tải.

3.Làm thế nào để lắng nghe tốt?

Đôi khi bạn vẫn có thể lắng nghe trong lúc mắt đang lảng vảng ở những nơi khác, hoặc vừa nghe vừa làm một việc khác như ăn, uống,…chẳng hạn.    Tuy nhiên, chính những biểu hiện này sẽ phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp và biến bạn thành một người kém giao tiếp trong mắt của bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên hay khách hàng,…Vì thế, để lắng nghe tốt, bạn nên lưu ý những lời khuyên sau:

-Giao tiếp bằng mắt, nhìn thẳng vào mắt người nói: đây là cử chỉ thể hiện sự tôn trọng họ.

-Không nên cắt ngang hoặc cướp lời người nói.

-Ngồi yên lắng nghe.

-Gật đầu khi đồng ý.

-Hoàn toàn chú tâm vào câu chuyện, vấn đề đang nghe.

-Lặp lại thông tin và đặt những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bạn khi người nói đã trình bày xong.

  4.Vậy điều gì làm ta nghe không hiệu quả?

-Thái độ lắng nghe chưa tốt: Điếc hơn người điếc là người không muốn nghe. Ta thường hay ngộ nhận là ta biết rồi nên không muốn nghe hoặc chỉ nghe một phần, nhưng đến khi cần nhắc lại thì ta lại không nhớ. Tệ hại hơn nữa là ta chỉ nghe xem đối tác có gì sai, xấu để phản ứng lại.

-Không chuẩn bị: Để nói một điều gì ta chuẩn bị rất kỹ tất cả các phương án. vậy mà trong giao tiếp ta chưa bao giờ chuẩn bị lắng nghe cả. Không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Đó chính là nguyên nhân làm ta nghe kém hiệu quả.

-Im lặng:Im lặng làm cho người ta cảm thấy không thoải mái. Nó tạo một không khí nặng trĩu suy nghĩ và đôi khi là nỗi đau. Một người lắng nghe hiệu quả phải thật sự thoải mái khi ở trong môi trường đó. Thỉnh thoảng, chờ đợi vài phút trong im lặng sẽ giúp người nói có thể khai thác hết những cảm xúc thầm kín trong lòng. Làm chủ được sự im lặng, điều đó có nghĩa là bạn đã thành công.

 

Lắng nghe là một trong những hành vi bình thường nhưng lại không hề bình thường chút nào. Rất ít người biết cách lắng nghe khéo léo. Tuy nhiên, đây lại là kỹ năng sống quan trọng giúp bạn dễ dàng thành công trong công việc và đời sống. Hãy thử chú ý và đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu trong kỹ năng lắng nghe của mình, từ đó, tìm cách điều chỉnh bản thân sao cho tốt nhất. Chỉ cần hoàn thiện kỹ năng lắng nghe tích cực, chúng tôi tin bạn sẽ cải thiện rất nhiều mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn đấy!