Cẩm Nang Việc Làm

Đi làm - Tôi không có động lực để đi làm

23/09/2018 | 21:45 : Lượt xem 901

Mỗi ngày đi làm tôi đều mất hết động lực


Tôi đang trải qua một khoảng thời gian bế tắc và vô định. Cảm giác như toàn bộ động lực và nhiệt huyết của bản thân đang lao xuống dốc không phanh. Tôi không thể tìm lại mình của những ngày đầu bước vào môi trường làm việc ở công ty, một tôi thật trẻ trung, năng động và sẵn sàng dấn thân vào những trải nghiệm mới mẻ. Giờ đây mỗi buổi sáng, tôi thức dậy và đến công ty lúc 8h, quẹt thẻ, làm việc như một cái máy lặp đi lặp lại cả tuần dài.

 

Công việc không như những gì tôi mong đợi

 

Khi nhận thư mời làm việc từ nhà tuyển dụng, tôi đã vô cùng mong đợi và tưởng tượng ra vô số những viễn cảnh tươi đẹp về công việc mới. Cơ hội thăng tiến, sự hấp dẫn của ngành, những dự án mới mẻ,… Tất cả đều khiến tôi thật mong đợi. Nhưng công tác một thời gian, tôi lại bắt đầu “vỡ mộng” về những gì mình vẫn nghĩ. Mỗi ngày tôi phải đối mặt với hàng trăm giấy tờ, email, việc lặt vặt cần phải giải quyết chứ chẳng phải những buổi thảo luận, những dự án đầy hứa hẹn. Chính bởi đặt kỳ vọng quá cao khi khởi đầu, tôi đã sớm thất vọng và chán nản về những gì hiện tại mình đang phải làm.

 

Ban lãnh đạo không thể truyền cảm hứng

 

Người ta thường bảo: “Đầu tàu luôn là bộ phận quan trọng nhất”. Người quản lí luôn phải là kim chỉ nam để định hướng và dẫn đường cho nhân viên của mình, nhưng sẽ ra sao nếu sếp của tôi lại không thể truyền cảm hứng cho tập thể? Khả năng lãnh đạo chưa đủ tính chuyên nghiệp, sếp dường như chỉ biết đưa ra những quy định và luật lệ hơn là chỉ bảo và truyền lửa để tôi theo đuổi đam mê của mình.

 

Hỡi ôi… Văn hóa công ty!

 

Văn hóa công ty là một trong những yếu tố quyết định thời gian của một cá nhân gắn bó với tổ chức. Nhưng tôi đã sai lầm khi không tìm hiểu cặn kẽ về văn hóa và môi trường làm việc ở công ty hiện tại. Vốn quen với sự năng động, cởi mở và vui vẻ, khi bước chân vào công ty với không khí nghiêm túc và cứng nhắc, tôi bắt đầu cảm thấy bản thân trở nên lạc lõng, khó hòa nhập với tập thể. Môi trường công ty hiện tại đang dần lấy đi cảm hứng làm việc trong tôi. Làm sao tôi có thể khép mình trong một khuôn khổ những quy tắc cứng nhắc, trong khi bản thân lại luôn mong muốn những sự đổi mới và phá cách không ngừng?

 

Đồng nghiệp chẳng mấy thân thiện

 

Một môi trường làm việc lí tưởng với tôi là nơi có những đồng nghiệp thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ khi cần. Khi mới bước chân vào công ty, tôi đã cố gắng để hòa nhập với các đồng nghiệp nơi đây, nỗ lực làm quen với từng người và trò chuyện với họ theo cách chân thành nhất. Nhưng dù tôi cởi mở như thế nào, sự đối lập trong tính cách và lối ứng xử cũng khiến tôi trở thành kẻ “ngoại đạo”, khó mà hòa hợp với tập thể. Đồng nghiệp thường theo phương châm “việc ai nấy làm, thân ai nấy chịu”. Dù vô tình gặp nhau ở canteen, họ cũng chẳng buồn nở nụ cười chào hỏi. Có thể việc “nước sông không phạm nước giếng” này sẽ giúp nhân viên tập trung vào công việc của họ hơn. Nhưng lâu dần, với tôi đây lại là cơn “ác mộng” khi không thể chia sẻ, trò chuyện hoặc cần sự giúp đỡ từ bất kỳ ai trong công ty. Hãy nghĩ suốt 8 tiếng đồng hồ, bạn chẳng được tiếp xúc với ai ngoài chiếc máy tính, liệu bạn có mất đi động lực đi làm mỗi ngày như tôi?

 

Chế độ lương thưởng ngán ngẩm

 

Dù mức lương có hấp dẫn như thế nào, nhưng nếu bạn vẫn cứ đều đặn nhận cùng một khoản lương năm này qua năm nọ, không bổng lộc, không khen thưởng, bạn có còn hứng thú với công việc? Công ty tôi không công bố chính sách hay chế độ thưởng phạt rõ ràng dù luôn hứa hẹn với nhân viên rất nhiều điều khi mới bắt đầu. Tôi hào hứng với những ý tưởng mới, tôi nỗ lực cống hiến với hy vọng thành tích của mình sẽ được đền đáp xứng đáng bằng một khoản tiền thưởng kha khá cuối năm. Thế nhưng, đời không như là mơ! Bao nhiêu hứng khởi, động lực để tôi tiếp tục công việc của mình cũng dần tan biết mất.

 

Khi đối mặt với vấn đề này, nhiều bạn bè đã khuyên tôi nên thử trò chuyện với quản lí trực tiếp của mình. Nếu mọi hướng giải quyết đều không đem lại hiệu quả như mong đợi, tôi đành phải tự hỏi chính mình: “Liệu công việc này có ý nghĩa gì với tôi? Tôi có thật sự mong muốn tiếp tục làm việc này? Còn điều gì để tôi lưu luyến công ty?” Sau khi tự trả lời được những câu hỏi như thế, tôi đã xác định được tương lai phía trước của mình, chọn tiếp tục làm việc nhưng mất đi động lực hay tự tìm kiếm hứng khởi mới ở những môi trường thật sự phù hợp hơn.

 

Xem thêm: Tuyển phiên dịch tiếng Hàn