Thông báo

Cần luật hóa cụ thể việc lắp camera

18/09/2019 | 11:42 : Lượt xem 2092

Luật camera 

Báo Người Lao Động ngày 26-9 có đăng bài "Mệt mỏi vì bị camera hàng xóm giám sát" đã nói hộ bức xúc của nhiều người đang là nạn nhân bị camera an ninh của láng giềng chĩa vào nhà.
Hiện nay, đời sống đô thị phức tạp, việc người dân lắp camera trong nhà để theo dõi trộm cắp, bảo vệ tài sản khá phổ biến và đó là quyền của chủ nhà, không bị pháp luật cấm. Lắp camera ở trước cửa nhà, do khu phố chật hẹp nên vô tình camera chĩa sang nhà hàng xóm cũng không phải là hành vi bị pháp luật cấm.

Tuy nhiên, nếu việc lắp đặt camera chĩa sang nhà hàng xóm nhằm mục đích theo dõi sinh hoạt nhà người khác, phát tán lên mạng những hình ảnh ghi lại được hoặc dùng vào những hoạt động khác thì xét về khía cạnh pháp luật dân sự là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền được bảo vệ đời tư. Lúc đó, nạn nhân có thể yêu cầu cơ quan quản lý địa phương buộc gia đình lắp camera phải điều chỉnh hoặc tháo dỡ hoặc có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm. Trường hợp gây thiệt hại, có thể yêu cầu bồi thường theo quy định. Có điều để chứng minh động cơ, mục đích của "đối tượng" là cả một câu chuyện dài, mất thời gian và dễ làm nản lòng những ai có ý định đáo tụng đình.

Hiện nay chưa có quy định xử lý hành vi lắp camera chĩa sang nhà hàng xóm nhưng trước thực tế ngày càng có nhiều gia đình lắp camera thì rất cần có quy định cụ thể về việc lắp camera như thế nào, cũng như bổ sung thêm quy định các cơ quan chức năng như UBND phường, xã, cơ quan quản lý về xây dựng có quyền yêu cầu tháo gỡ, xử phạt hành chính nếu ai đó đặt camera hướng vào nhà hàng xóm và làm nạn nhân thấy bất an, có chứng cứ cho rằng bị xâm phạm đời tư. Bởi ngoài việc nạn nhân có cảm giác bị làm phiền vì đời tư bị xâm phạm, không loại trừ việc các đối tượng xấu lợi dụng những chiếc camera để quay lén, theo dõi nhà hàng xóm, từ đó làm điều sai trái khi chủ nhà đi vắng.

Luật camera Hà Nội


Trong thời gian chờ ban hành quy định, các cơ quan có thẩm quyền quản lý cần giải quyết những khiếu nại của người dân liên quan đến vấn đề này một cách có trách nhiệm và thỏa đáng. Không thể để đến khi người dân bị thiệt hại hoặc sự việc dẫn đến mâu thuẫn, xô xát gây thương tích mới xử lý. Trách nhiệm của cơ quan quản lý không phải chỉ giải quyết hậu quả đã xảy ra mà còn bao gồm cả việc ngăn chặn, đề phòng hành vi vi phạm pháp luật.

 

“Đừng để người dân ấm ức vì bị nhìn lén” 

Khi chi phí đầu tư lắp đặt camera không còn quá đắt đỏ, người người, nhà nhà mạnh dạn trang bị camera để hỗ trợ giám sát an ninh.

Trộm cắp, cướp giật, nghiện hút ở các địa bàn nóng, phức tạp trước đây tại TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn đã cải thiện rõ rệt, kể từ khi camera vươn tới từng góc đường, con hẻm.

Các tình huống gây tranh cãi về giao thông cũng được sáng tỏ nhờ có camera giám sát hành trình. Các hành vi phạm pháp được phát hiện, xử lý kịp thời nhờ “mắt thần” theo dõi.

Trang bị hệ thống camera và kết nối dữ liệu để giám sát an ninh, phục vụ quản lý điều hành, là một trong các điều kiện không thể thiếu khi xây dựng thành phố thông minh, và là giải pháp hiệu quả tận dụng lợi thế của công nghệ, kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ công, thời kỳ số. 

Tuy nhiên, khi người người, nhà nhà lắp camera, ngành ngành cùng đầu tư camera, thì cũng xuất hiện những vấn đề cần lưu ý. 

Thứ nhất, về tính hiệu quả: Không kể các camera của tư nhân, riêng các cơ quan ban ngành Nhà nước ở đô thị đã có khá nhiều hệ thống camera.

Nếu cùng một khu vực có nhiều camera của các ngành, các cơ quan khác nhau, thì vừa gây phức tạp, chồng chéo trong lắp đặt, vừa gây lãng phí trong đầu tư. 

Điều này sẽ được khắc phục khi Thành phố có khảo sát kỹ nhu cầu, lập quy hoạch chi tiết và lên phương án khoa học bố trí hệ thống camera ở từng khu vực, địa bàn, tùy theo mức độ phức tạp của tình hình, tùy vào nhu cầu khai thác dữ liệu.

Thứ hai, về an toàn và bảo mật thông tin. Đã có những trường hợp camera “phản chủ” khi bị hacker tấn công, thay vì phục vụ giám sát an ninh, lại trở thành dụng cụ theo dõi, thu thập thông tin của người dùng.

Các thông tin về an toàn tài sản, bí mật đời tư cá nhân có thể bị lộ, lọt qua hệ thống camera và nhất là khi công nghệ IOT- kết nối vạn vật ngày càng trở nên phổ biến. 

Tất nhiên, với mức đầu tư tốt hơn, hệ thống camera của cơ quan nhà nước, bộ ban ngành có thể có độ bảo mật cao hơn, nhưng khả năng này không phải là không thể xảy ra, khi mà tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên nguy hiểm khó lường. 

Hơn nữa, nếu xảy ra trường hợp lộ, lọt thông tin cá nhân, gây phiền toái bất lợi cho cá nhân, tổ chức, thì ai sẽ chịu trách nhiệm, và quy định nào bảo vệ người dân?  Các điểm trống pháp luật này cần được sớm bổ sung trước khi đồng loạt lắp và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống camera đó.

Thứ ba, về cảnh báo công khai ở những khu vực công cộng có camera giám sát: đây là yêu cầu bắt buộc ở nhiều quốc gia hiện đại, đang sử dụng hệ thống camera như một công cụ kinh tế và hiệu quả để phục vụ giám sát và điều hành, thay vì phải đưa cảnh sát xuất hiện khắp nơi. 

Việc công khai các khu vực có camera không chỉ để cảnh báo, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn để mỗi người dân biết và tự điều chỉnh ứng xử của mình sao cho phù hợp với nơi công cộng, tránh các hành động riêng tư quá mức, hoặc phản cảm, thiếu văn hóa. 

Thực tế, ở các thành phố như Atlanta của Mỹ, London của Anh, các đô thị của Nhật Bản, hay 8 thành phố hàng đầu Trung Quốc.. nơi có camera dày đặc và được cảnh báo công khai, người dân không những không cảm thấy khó chịu, mà coi như đó là một sự bảo đảm để họ yên tâm hơn về trật tự an ninh. 

Và đó cũng là yêu cầu cần có, để người dân cảm thấy được tôn trọng quyền bí mật riêng tư, quyền tự điều chỉnh hành vi của mình, mà không ấm ức vì bị “nhìn lén”.

Bạn xem thêm để lắp đặt camera tại đây