Cẩm Nang Việc Làm

Phải làm gì khi chán nản trong công việc?

07/05/2018 | 16:05 : Lượt xem 1436

Cuộc sống của chúng ta là chuỗi công việc liên tục hàng ngày, là những thất bại, trắc trở, là những vấn đề lo toan trong cuộc sống. Vì thế, rơi vào trạng thái chán nản là điều đương nhiên, nhưng cứ duy trì mãi trạng thái này, bạn luôn cảm thấy đột ngột xâm chiếm bạn, làm cạn kiệt năng lượng của bạn, khiến bạn không có động lực để thực hiện dù chỉ là một nhiệm vụ đơn giản nhất trong danh sách công việc của mình. Khi gặp trường hợp như thế cách tốt nhất là bạn nên xóa tan cảm giác này càng nhanh càng tốt để điều chỉnh cân bằng cuộc sống.

1. Xác định nguyên nhân

Có hàng trăm lý do để bạn chán ghét công việc hiện tại, tuy nhiên bạn cần xác định được nguyên nhân chính khiến cho bạn không còn hứng thú với công việc. Những nguyên nhân đó là do người khác mang lại cho bạn hay do chính bản thân bạn không bắt nhịp được với công việc, dẫn đến chán ngán, không muốn làm việc. Khi đó bạn sẽ dễ dàng biết phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng trên. Nếu là vấn đề từ người khác, bạn nên thả lỏng, xem xét lại mình có sai gì không hoặc nên nói cho người đồng nghiệp đó biết một cách khéo léo, chán nản cũng có thể xuất phát từ công việc, bạn cần học cách nắm bắt thích nghi, tìm kiếm động lực mục tiêu cho mình để lên cót tinh thần.

2. Giải pháp tạm thời

- Luyện tập các kỹ thuật làm dịu đầu óc.

Sự chán chường có thể tác động tới cuộc sống của bạn theo nhiều cách. Nó khiến bạn luôn cảm thấy bực bội với bản thân và cuộc đời của mình, hoặc khiến bạn chẳng nghĩ được gì. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng cần dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để thực hành một số kỹ thuật giúp làm tĩnh tâm. Hãy buộc bản thân mình phải nghỉ ngơi thư giãn. Đừng nghĩ ngợi gì cả. Nhắm mắt lại. Thả lỏng tay chân và để cho những vất vả hàng ngày trôi về phía sau.

- Thiết lập một vòng tròn hỗ trợ

Hãy tìm cho mình một nhóm bạn mà bạn có thể tin tưởng tâm sự về mọi chuyện, những người khiến bạn cảm thấy có thể cởi mở và thành thật với họ, và do đó có thể nói ra rằng bạn đã chán nản như thế nào mà không phải lo lắng họ sẽ phán xét mình. Bạn cũng nên trân trọng những người bạn này, họ là những người đã cho bạn những lời khuyên đáng giá để vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Dành thời gian bên người bạn yêu quý rất quan trọng. Không gì tuyệt bằng được ở bên một người yêu quý và quan tâm đến bạn. Hãy chia sẻ với người đó vấn đề của bạn, nhưng hãy nhớ nói cả các chủ đề khác nữa.

- Tập thể dục

Đừng ngồi ì một chỗ vì như thế chỉ càng làm tâm trạng của bạn tệ hại hơn. Hãy ra khỏi nhà và đi bộ quanh khu nhà của mình một lát. Nếu trời quá nóng hoặc quá lạnh, bạn có thể đến phòng gym và tập tành một chút. Nâng tạ. Chạy trên máy chạy bộ. Học một dụng cụ tập mới. Hãy giữ cho cơ thể của mình luôn bận rộn, dần dần trí óc của bạn cũng sẽ khởi động. Xét cho cùng, thay vì luôn luôn trì trệ, một cuộc sống năng động sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong mọi tình huống.

Tập thể dục sẽ làm tăng nhịp tim, đồng thời tăng lượng serotorin (hormone giúp bạn cảm thấy vui vẻ). Vì thế, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khá hơn.

- Ăn một cái gì đó

Một chiếc bánh ngọt, một cốc trà hay một ít hoa quả có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn ngay lập tức.

- Lau dọn nhà cửa

Bạn có biết làm việc trong một không gian lộn xộn bừa bãi có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ như thế nào không? Bạn sẽ thấy vô cùng ngột ngạt khi bị bao vây bởi những thứ hỗn tạp ngổn ngang xung quanh. Do vậy, nhớ dành thời gian để dọn dẹp bàn làm việc cũng như không gian sống của bạn. Việc này còn có thể giúp bạn cảm thấy tăng năng suất hơn, và bạn sẽ rất hài lòng khi công việc dọn dẹp được hoàn thành.

- Bố trí lại không gian sống

Nếu nhà hay chỗ làm của bạn đã sạch sẽ rồi, hãy thử bài trí lại đồ đạc. Chỉ cần di chuyển một vài đồ nội thất, thay đổi một vài vật treo tường là đủ để khiến nơi ở của bạn trở nên hoàn toàn khác biệt và mới mẻ, và điều này có thể khiến tâm trạng của bạn tươi mới hơn nhiều. Bên cạnh đó, bài trí lại căn phòng khiến bạn có một công việc gì đó để bận rộn, và kết quả mà bạn nhận được sẽ tạo động lực cho bạn để làm các công việc tiếp theo.

- Đọc sách

Một câu truyện hay là liều thuốc lý tưởng đưa sự chú ý của bạn ra khỏi những rắc rối của chính mình. Có thể mượn sách của bạn bè hay tìm trong thư viện- và nhớ đừng đánh giá một quyển sách qua cái bìa của nó nhé!

- Hòa mình với thiên nhiên

Leo núi, tắm biển, đi dạo trong một khu rừng gần đó - hay chỉ loanh quanh một cồn cát nhỏ ( tùy theo nơi bạn sống) là những việc đó có thể làm bạn phấn chấn hơn.-

Mua cho mình cái gì đó

Không cần phải mất một khoản tiền lớn, chỉ cần một quyển tạp chí hay một thỏi sô cô la có thể tạo nên điều kỳ diệu. Hãy chiều bạn thân một chút !

- Ngủ một chút

Thường thì chỉ cần một giấc ngủ ngắn đã có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn rồi. Khi bạn gặp rắc rối, bạn sẽ khó ngủ đủ giấc, vì thế, hãy thử ôm lấy cái gối của bạn.

- Khóc thật to

Không có gì xua tan đau buồn hữu hiệu bằng khóc thật to. Đừng cố nhịn làm gì, nó chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

3. Biện pháp lâu dài

Những biện pháp nhất thười trên chỉ giúp bạn xua tan mệt mỏi, chán nản chỉ ngay thời điểm đó, bạn cần phải có phương pháp khoa học cho mình, ngăn những cơn chán nản tiếp diễn.

- Xác định lại mục tiêu nghề nghiệp

Công việc hiện tại đã thật sự đem lại cho bạn những điều mà bạn mong muốn, những điều bạn cố gắng có phải là mục tiêu bạn muốn đạt được. Nếu bạn cảm thấy chán ghét công việc hiện tại, hãy nhanh chóng xác định lại mục nghề nghiệp của bạn là gì, bởi chỉ khi có mục tiêu cụ thể bạn mới có động lực làm việc, phấn đấu đạt được mục tiêu đó.

Đừng để mình bị nao núng vì một quyết định nào đó không được như ý. Nếu không phải vào tháng 1 thì sao ? Sự quyết tâm không cần phải bắt đầu từ đầu năm, đầu tháng, đầu tuần, hay kể cả đầu ngày. Bạn có thể quyết định thay đổi cuộc sống của bạn vào bất kể thời gian nào. Nếu mục tiêu của bạn là ăn uống theo một chế độ lành mạnh hơn, đừng quá lo lắng nếu như sáng nay bạn đã ăn sáng bằng bánh ngọt. Bạn có thể bắt đầu từ bữa trưa bằng cách ăn hoa quả. Nhớ rằng bạn có thể bắt tay vào việc thực hiện một mục tiêu mới bất cứ lúc nào bạn cảm thấy hào hứng.

-Làm mới bản thân

Bạn cứ ngồi một chỗ với một công việc duy nhất, ngày nào cũng vậy cứ lặp đi lặp lại sẽ rất dễ khiến cho bạn cảm thấy chán ngát, nhạt nhẽo. Hãy làm mới bản thân bằng cách giao tiếp với đồng nghiệp, mọi người xung quanh nhiều hơn, tích cực tham gia các hoạt động do công ty tổ chức, nhận những nhiệm vụ mới, những thách thức mới để thay đổi môi trường làm việc nhàm chán hiện tại của bạn.

- Thay đổi thái độ làm việc

Bạn nhận thấy công việc không mang lại hứng thú, bạn không muốn cố gắng mà chỉ làm cho hết nhiệm vụ, trách nhiệm được giao không quan tâm tới kết quả thế nào. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng như vậy bạn sẽ không bao giờ vượt qua được gia đoạn chán việc hiện tại. Vì vậy, hãy làm việc với thái độ hăng say, bằng nhiệt huyết khi đó bạn sẽ thấy việc làm của mình thật sự ý nghĩa, không nhàm chán như những gì bạn nghĩ.

- Thay đổi vị trí làm việc

Nếu bạn đã cố gắng làm mọi việc nhưng vẫn không thể thoát ra được tình trạng chán việc, vậy bạn hãy thử thay đổi vị trí làm việc. Bởi biết đâu vị trí hiện tại không phù hợp với khả năng, trình độ hoặc do bạn không có đam mê nên cảm thấy chán ghét nó, vị trí làm việc mới, với những mục tiêu mới sẽ là giải pháp không tồi để bạn lấy lại cảm hứng trong công việc của mình.

- Tìm công việc mới

Chỉ áp dụng giải pháp này khi bạn thật sự thấy bế tắc, đã thử hết tất cả mọi cách nhưng cảm giác chán ghét công việc vẫn đeo bám. Nhưng hãy nhớ chỉ thay đổi công việc khi bạn chắc chắn đã tìm được công việc mới và cảm thấy hứng thú với nó. Nếu không sớm muộn bạn sẽ thất vọng mà thôi.

- Cân bằng công việc và cuộc sống

Chán ghét công việc hiện tại không chỉ do công việc không phù hợp, bị cấp trên chèn ép… mà có thể do bạn không biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Mỗi ngày bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc mà quên đi việc chăm sóc bản thân, không quan tâm đến gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh. Đến khi bạn mệt mỏi, muốn có người chia sẻ nhưng không tìm được ai sẽ khiến cho bạn cảm thấy bế tắc, chán nản không muốn tiếp tục làm việc nữa. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu cũng hãy dành cho mình khoảng thời gian thư giản, nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng trong cuộc sống và công việc.

- Đừng quá quan trọng vị trí và tiền bạc

Vị trí và tiền bạc là hai mục tiêu quan trọng để mỗi người tự cố gắng trong công việc, tuy nhiên khi vị trí và tiền bạc chi phối quá nhiều quá trình làm việc sẽ phản tác dụng. Bởi những người quá quan trọng vị trí và tiền bạc họ sẽ dễ bị cuốn theo nó, họ luôn cố gắng làm việc để đạt được mục tiêu nhưng nếu thất bại sẽ khiến cho họ cảm thấy hụt hẫng, chán nản từ đó dẫn đến không còn hứng thú, nhiệt tình, cố gắng nữa bởi họ nghĩ rằng dù có cố gắng bao nhiêu thì cuối cùng mọi thứ cũng vẫn trở về số không.

- Sống lành mạnh, khoa học

Ăn những đồ ăn nhanh không những có hại cho sức khỏe của bạn mà còn khiến tâm trạng của bạn cũng vì thế mà trở nên tiêu cực. Hãy cố gắng ăn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe và đừng ăn quá no. Bạn sẽ không muốn mình trở nên ì ạch khi đang cố gắng tập trung làm việc đâu.

Như vậy là bạn đã tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài trời và ăn uống lành mạnh rồi phải không? Điều đó có nghĩa là bạn đã thực hiện đúng những nguyên tắc để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Giữ cân nặng điều độ và hợp lý là cách tốt nhất để trí não của bạn cũng hoạt động hiệu quả, khiến bạn cảm thấy hăng hái làm việc.

Không nên làm việc quá sức. Bạn hãy thường xuyên cho mình thời gian giải lao giữa giờ, bất kể đó là một công việc ở văn phòng hay là những việc vặt trong nhà. Làm việc quá tải khiến cơ thể và trí óc của bạn đều bị suy nhược, và từ đó sẽ kéo theo cảm giác chán nản trì trệ. Khi đó, bạn sẽ càng khó để làm việc hiệu quả.

- Hòa đồng với mọi người

Sự thất vọng thường làm bạn muốn tránh xa người khác, nhưng đừng để cảm giác đó xâm chiếm bạn. Những lúc như vậy bạn càng phải tìm đến những người bạn, kể cả khi bạn phải ép bản thân mình tỏ ra thích thú hay quan tâm tới những câu chuyện của họ. Tự ép mình phải trở nên hòa đồng, nói chuyện và cười đùa với người khác lại có thể khiến bạn thấy tâm trạng của mình được cải thiện một cách đáng ngạc nhiên. Đừng nghĩ rằng như vậy là giả dối, một nụ cười gượng gạo sẽ dần dần trở thành một nụ cười thực sự.

- Giải quyết từng việc một

Đừng để cho mục tiêu của bạn trở nên quá xa vời. Nghĩ rằng mình không thể làm gì sẽ càng khiến bạn khó thực hiện điều đó hơn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể làm việc một cách hiệu quả được. Bạn có thể chia mục tiêu lớn ra thành những bước nhỏ dễ thực hiện. Liệt kê một danh sách những điều cần làm và phân chia thời gian sao cho bạn có thể xử lý từng việc một mà không phải cảm thấy hối hả cho kịp tiến độ.