Cẩm Nang Việc Làm

Những lý do mà bạn nên nói lời từ chối

13/12/2018 | 09:10 : Lượt xem 1215

Đừng nên khó xử khi ai đó nhờ bạn một điều gì. Bạn chưa thật sự muốn giúp đỡ, hay bạn không muốn thực hiện nó. Bạn sẽ làm gì trước tình huống đó? Chiến thuật nói “không” dưới đây là câu trả lời vừa nhẹ nhàng nhưng cũng kiên quyết để cho đối phương biết rằng bạn không thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Càng có thể nói “không” với những việc của người khác mà bạn không muốn làm, bạn sẽ càng có nhiều thời gian để dành cho bản thân, gặp những người bạn muốn gặp, đi những nơi bạn muốn đến, hoặc thỏa mãn những đam mê của riêng mình.

 

Vì sao bạn không thể nói " Không"? 
Có rất nhiều lý do khiến cho sự từ chối đối với bạn là cực kỳ khó khăn, chẳng hạn như:

- Bạn lo lắng sẽ khiến người khác bị tổn thương.

- Bạn lo sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội ghi điểm trong mắt đối phương.

- Bạn sợ người kia sẽ giận, hoặc không thích bạn nữa.

- Bạn không thể nói “không” vì bạn cảm thấy tội lỗi nếu không nói “có”.

- Bạn không thể từ chối vì người kia năn nỉ rất thành tâm.

Bạn không muốn ôm vào mình những trách nhiệm không phải của mình, vì bạn cần có thời gian cho bản thân, để thực hiện những việc mà bản thân mình thật sự mong muốn.
Từ chối yêu cầu của người khác không phải là ích kỷ, bởi mỗi người đều có quyền từ chối việc gì đó nếu như nó ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của mình.
Bạn không thể làm hài lòng tất cả yêu cầu của mọi người và cũng không có đủ thời gian cho việc đó.
Nói “không” giúp tạo ra được giới hạn cho bản thân, cũng như nâng cao sự tôn trọng dành cho bản thân mình. Cho mọi người hiểu rằng bạn cũng có những nhu cầu riêng và những giới hạn riêng. Những lí do sau đây sẽ giúp bạn đưa ra lời từ chối:


1. Quý trọng thời gian của chính mình
Luôn hiểu rõ những công việc và trách nhiệm mà bạn đang nắm giữ cũng như quỹ thời gian mình có. Đồng thời, bạn cần hiểu thời gian của mình đáng quý như thế nào. Có như vậy, khi ai đó muốn bạn làm thêm một việc gì, bạn sẽ biết mình có thể và có nên kham công việc đó hay không. Nếu không thể giúp đỡ, bạn chỉ cần từ chối vì bạn đã quá bận rồi.


2. Biết mình cần ưu tiên điều gì
Ngay cả khi bạn có một chút thời gian rảnh, hãy xem xét liệu bạn có muốn và nên dành thời gian cho công việc hoặc yêu cầu kia không? Liệu công việc đó có ảnh hưởng đến thời gian dành cho những việc quan trọng hơn với bạn không?


3. Đừng cả nể
Đừng nhận lời mọi người chỉ vì bạn lịch sự và không muốn làm ai phật ý – người chịu thiệt thòi sẽ chỉ là bạn. Những người xung quanh sẽ luôn tìm đến bạn khi thấy bạn dễ dàng nhận lời giúp đỡ. Hãy luôn đặt ra giới hạn và từ chối những việc không nằm trong danh sách ưu tiên của mình.


4. Từ chối yêu cầu của sếp
Có những lúc bạn buộc phải thực hiện yêu cầu của cấp trên vì rất nhiều lý do: Sợ bị đánh giá không làm tốt công việc, cảm thấy áy náy, v.v.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khối lượng công việc của mình đã nặng và không thể làm thêm, hãy giải thích với sếp. Trong trường hợp đầu việc mới của bạn thực sự quan trọng, hãy liệt kê những công việc bạn đang làm và hỏi sếp về thứ tự ưu tiên.

 

Ảnh: Nguồn Internet

Xem thêm: Tìm việc làm tại Bà Rịa- Vũng Tàu


5. Rào trước
Đôi khi rào trước dễ hơn là từ chối những yêu cầu, đề nghị. Trong một cuộc họp hoặc khi gặp ai đó, nếu bạn đoán mình sẽ bị nhờ vả, bạn có thể than thở: “Dạo này bận quá. Chẳng có thời gian làm việc khác”, như vậy họ sẽ hiểu ý.


6. Trả lời sau
Thay vì đưa ra ngay câu trả lời, bạn có thể nói với người kia rằng mình sẽ xem xét và trả lời sau. Như vậy, bạn có thêm thời gian suy nghĩ, kiểm tra lịch làm việc và những ưu tiên của mình. Sau đó, nếu bạn không thể giúp đỡ, bạn có thể từ chối lịch sự: “Mình/em đã suy nghĩ kỹ nhưng hiện tại thì mình/em không thể giúp bạn/anh/chị được”. Ít nhất, bạn đã dành thời gian suy nghĩ về việc này.


7. Để khi khác
Nếu đây là một công việc bạn muốn để ngỏ, thay vì từ chối thẳng thừng, bạn có thể nói: “Đây là một cơ hội tốt nhưng hiện tại em/mình không có thời gian. Sau ngày [một mốc thời gian], anh/chị/bạn có thể liên lạc lại được không?” Cho đến lúc đó, nếu họ vẫn cần tới bạn, bạn có thể nhận lời.


8. Từ chối lời mời công việc
Trong trường hợp bạn được đề nghị làm cho một dự án hoặc một công ty rất tốt nhưng bạn cảm thấy không phù hợp với mình ở thời điểm hiện tại, hãy thẳng thắn nói ra điều đó.
Hãy chỉ ra những cái hay của dự án hoặc của tổ chức nhưng bạn không phù hợp hoặc đang tìm kiếm những điều khác. Hãy nói một cách chân thành vì người nghe có thể nhận ra sự thành thật của bạn.