Cẩm Nang Việc Làm

Giải đáp thắc mắc “CV có cần ảnh không” để thể hiện thần thái của bạn

03/01/2019 | 09:38 : Lượt xem 1550

CV có nhất thiết phải có ảnh chân dung hay không? Nếu có thì yêu cầu của ảnh đó như thế nào? Bài viết dưới dây sẽ giúp bạn hóa giải những băn khoăn này.

Thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng,… là những nội dung không thể thiếu trong mỗi bản CV. Tuy nhiên, CV có cần ảnh không vẫn đang là băn khoăn của rất nhiều ứng viên.

CV có cần ảnh không?

Trừ khi bạn ứng tuyển vào các vị trí như người mẫu, diễn viên, CV của bạn mới bắt buộc phải có ảnh. Nhà tuyển dụng các vị trí đặc thù này mới cần quan tâm đến dung nhan, diện mạo của bạn ra sao. Các vị trí tuyển dụng chuyên môn khác như kế toán, kĩ sư, nhân viên văn phòng… thường không có yêu cầu bắt buộc phải có ảnh trong CV.

cv cần ảnh không

 

Được biết, theo một khảo sát mới công bố, các nhà tuyển dụng mất 19% thời gian bị mất tập trung bởi bức ảnh. Trong khi đó, họ cần phải dành nhiều thời gian để đọc các thông tin về kĩ năng, kinh nghiệm làm việc… của ứng viên. Việc sa đà vào tấm ảnh của ứng viên sẽ khiến nhà tuyển dụng có thể bỏ lỡ các thông tin ấn tượng khác trong CV. Để trả lời câu hỏi CV có cần ảnh hay không, chị Thu Huyền – chuyên viên tuyển dụng của một tập đoàn gia dụng hàng đầu Việt Nam cho rằng, tấm ảnh của ứng viên trong CV khiến chị mất thời gian hơn vì phải chú ý đến nó, rồi nhận xét có xinh, có duyên, có đẹp hay không. “Và đôi khi tấm ảnh đó chi phối đến việc lựa chọn ứng viên tham gia vòng phỏng vấn. Nếu bạn chắc chắn có tấm ảnh đẹp thì mới chèn thêm vào CV, còn nếu ảnh xấu thì đừng dại gì đưa vào CV cả”, chị Huyền chia sẻ.

Nếu muốn, hãy chèn một bức ảnh trực diện và thể hiện thần thái của bạn!

Tuy câu trả lời cho câu hỏi CV có cần ảnh không là không bắt buộc nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể bổ sung một tấm ảnh chuyên nghiệp. Lưu ý là tấm ảnh đó phải thật rõ mặt và thể hiện được đúng thần thái của bản thân bạn. Những chiếc ảnh thẻ 3x4 hay 4x6 đừng bao giờ xuất hiện trong CV của bạn, bởi nó rất dễ gây mất thiện cảm cho nhà tuyển dụng. Những bức ảnh selfie cũng tuyệt đối không được có mặt trong CV. Nó sẽ góp phần khiến bộ hồ sơ của bạn thêm yếu tố để bị… vứt vào sọt rác.

Dưới đây là các thông tin không cần đưa vào CV

1. Các thông tin cá nhân không cần thiết

Thông tin cá nhân ứng viên là một trong những phần không thể thiếu trong CV, tuy nhiên bạn cần phải biết cách chắt lọc, chỉ nên nêu những thông tin cá nhân cần thiết như: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, email, giới tính, trình trạng hôn nhân. Không nên đưa thêm các thông tin không cần thiết về bố mẹ, anh chị em hoặc vợ/chồng… Bởi việc đề cập quá sâu thông tin gia đình không chỉ làm mất thời gian của bạn và nhà tuyển dụng mà còn khiến CV của ứng viên trở nên kém chuyên nghiệp hơn.

2. Mục tiêu nghề nghiệp lan man

Phần mục tiêu nghề nghiệp khá quan trọng trong CV bởi mục này sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được định hướng trong tương lai của ứng viên. Vì vậy, cần tập trung vào đúng nguyện vọng và tiêu chí tìm việc, cũng có thể đề cập thêm mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để người đọc có thể thấy rõ được kế hoạch của bạn rõ ràng như thế nào. Điều này giúp bạn tạo được ấn tượng và tăng cơ hội được tuyển chọn hơn.

3. Quá trình học tiểu học, trung học

Bên cạnh đó ứng viên cũng không cần thiết phải liệt kê quá trình, chi tiết thành tích học tập từng năm tại trường tiểu học, trung học khi đã tốt nghiệp bậc cao hơn như trung cấp, cao đẳng, đại học… trong CV. Bởi việc liệt kê, dàn trải quá nhiều thông tin không cần thiết này sẽ khiến phần chuyên mục trình độ học vấn, năng lực chuyên môn của bạn bị “loãng”, khiến nhà tuyển dụng khó lòng nắm bắt các thông tin quan trọng, gây khó khăn và tạo ấn tượng không tốt với các “HR”.

4. Những công việc “chớp nhoáng”

Cùng với trình độ học vấn các chuyên viên nhân sự còn đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên vì thế mà liệt kê tất cả những công việc đã từng làm. Tuyệt đối không nên đưa các thông tin công việc “chớp nhoáng” mà bạn chỉ làm trong một khoảng thời gian ngắn ngủi tầm 1, 2 tháng. Bởi nó có thể khiến lý lịch của bạn trở nên rời rạc, khiến nhà tuyển dụng có những đánh giá không tốt về bạn như thiếu kiên nhẫn, ý chí trong công việc, làm giảm cơ hội được mời phỏng vấn trực tiếp. Thay vào đó bạn hãy chọn lọc, trình bày các công việc có thời gian gắn bó lâu dài, tích lũy được nhiều kỹ năng nghề nghiệp để được đánh giá cao.

5. Liệt kê quá nhiều sở thích cá nhân

Ngoài các thông tin về năng lực nghề nghiệp, CV xin việc hiện nay còn bổ sung thêm phần sở thích cá nhân, nhằm giúp nhà tuyển dụng đánh giá được một phần tính cách, sự phù hợp của ứng viên với văn hóa công ty. Tuy vậy, các bạn không nên “lạm dụng”, liệt kê quá nhiều sở thích cá nhân không liên quan, vì điều này có thể khiến CV của bạn trở nên dài dòng, lủng củng. Tốt nhất bạn chỉ nên chọn lọc một vài sở thích có thể hỗ trợ cho công việc đang ứng tuyển để điền vào CV giúp tạo dựng ấn tượng tốt với các chuyên viên nhân sự. Ví dụ: khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên Marketing bạn có thể nêu sơ qua các sở thích đọc sách, đọc báo online, cập nhật tin tức, xu hướng mới nhất…

6. Hình ảnh mang tính riêng tư

Bên cạnh các thông tin dạng văn bản CV “chuẩn” cũng cần cập nhật hình ảnh của ứng viên, tuy nhiên bạn cần lưu ý là chỉ cần hình ảnh có chất lượng tốt và đảm bảo tính chuyên nghiệp, lịch sự. Tuyệt đối không chèn quá nhiều hình ảnh cá nhân mang tính riêng tư không cần thiết như hình ảnh bạn đi du lịch cùng bạn bè, hình ảnh làm việc tại công ty cũ, đặc biệt là hình ảnh “tự sướng”, bởi nó có thể khiến CV của bạn trông kém chuyên nghiệp, gây ấn tượng xấu với ban nhân sự, ngoại trừ trường hợp bạn ứng tuyển vào các công việc cần ngoại hình như MC, diễn viên… và được yêu cầu gởi kèm thêm hình ảnh chân dung, ảnh toàn thân trong CV.