Cẩm Nang Việc Làm

Bồi thường chi phí đào tạo khi chấm dứt hợp đồng lao động

13/10/2018 | 09:06 : Lượt xem 995

Khi doanh nghiệp có hoạt động đào tạo người lao động (NLĐ) để làm việc cho mình thì các bên phải giao kết hợp đồng đào tạo và cam kết thời gian làm việc tại công ty. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu NLĐ không làm việc đúng thời hạn như cam kết thì có phải hoàn trả chi phí đào tạo hay không?


1. Hợp đồng đào tạo và chi phí đào tạo


Khi doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho NLĐ đang làm việc; hoặc, có hoạt động tuyển người vào đào tạo, dạy nghề (sau đây gọi chung là hoạt động đào tạo) để làm việc cho mình thì các bên cần giao kết hợp đồng đào tạo.
Theo Điều 62 Bộ luật Lao động 2012, Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau:


- Nghề đào tạo;
- Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
- Chi phí đào tạo;
- Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
- Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động.


Chi phí đào tạo bao gồm: Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.


2. Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ (trước khi hết thời hạn làm việc được cam kết trong hợp đồng đào tạo)


Trường hợp 1: NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật


Theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2012 quy định về Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật:


“Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.”


Theo đó, nếu NLĐ chấm dứt HĐLĐ mà không thuộc một trong những trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc thông báo không đúng thời hạn (xem chi tiết tại công việc Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) thì thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.


Nghĩa vụ bồi thường của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật được quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 như sau:


“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2012”.
Căn cứ các quy định nêu trên, khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.


Trường hợp 2: NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật


Đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật là trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo đúng quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012.
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định:


“ Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.”


Pháp luật hiện hành không có quy định về việc chấm dứt HĐLĐ đúng luật thì có phải bồi thường hay không? Do vậy, cơ sở để yêu cầu NLĐ bồi thường chi phí đào tạo là cam kết mà các bên đã thỏa thuận về các trường hợp bồi thường chi phí đào tạo trong hợp đồng đào tạo nêu trên.


Theo đó, nếu trong hợp đồng đào tạo quy định trong mọi trường hợp chấm dứt HĐLĐ đều phải bồi thường chi phí đào tạo, thì NLĐ sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo theo cam kết mặc dù chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật.


Do đó, để tránh xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động, doanh nghiệp và NLĐ nên thỏa thuận rõ ràng các điều khoản khi ký kết hợp đồng đào tạo.

 

Xem thêm: Tuyển dụng việc làm tại Nghệ An